Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng đường sắt 350km/h: Giá vé cạnh tranh thế nào so với máy bay?
*Giá vé tàu đường sắt tốc độ cao chia làm 3 hạng, dựa trên giá vé máy bay
*Hoàn thành 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh thành vào năm 2035
Tiết lộ giá vé tàu đường sắt tốc độ cao
Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.
Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.
Về giá vé đi tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trong cuộc trò chuyện với PV Dân Việt đã cho biết giá vé sẽ được tính theo tỷ lệ trung bình của giá vé máy bay.
Theo đó, giá vé tàu đường sắt sẽ bằng các mức trung bình của vé máy bay. Mức trung bình của vé máy bay được tính toán dựa trên giá vé của hai hãng bay phổ thông nhất là Vietjet và Vietnam Airlines.
"Để người dân có thể đi tàu đường sắt tốc độ cao, chúng tôi sẽ chia thành 3 hạng vé: Hạng vé thương gia có giá tương đương với vé máy bay thương gia phục vụ người có nhu cầu chất lượng cao; Hạng vé thứ 2 có giá tương đương 0,75% giá trung bình vé máy bay; Hạng vé thứ 3 có giá 0,45% giá vé trung bình của vé máy bay. Chúng tôi định hình ra từng hạng vé để người dân dễ tiếp cận", nguồn trên dẫn lời Thứ trưởng Huy nói.
Thứ trưởng Huy cho biết, bình quân khoảng cách giữa các điểm dừng là 100km. Nếu lượng khách đông, có thể vận hành tới 60 chuyến tàu mỗi giờ. Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao dài hơn 1.500km dự kiến có 24 nhà ga.
Theo các chuyên gia đường sắt tính toán nếu đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, với tốc độ trung bình khoảng 350km/h thì đi từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mất khoảng gần 6 tiếng, tính cả giờ dừng đỗ ở các ga (quãng đường 1.540km), từ Hà Nội vào Vinh - Nghệ An mất hơn 1 tiếng.
Do vậy, thay vì lựa đi máy bay và đường bộ thì người dân có thể lựa chọn đi tàu tốc độ cao, có thể “ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa tại TP HCM" bằng đường sắt.
“Bay từ Hà Nội vào TP.HCM chúng ta mất 5 tiếng từ trung tâm nọ đến trung tâm kia, phải thay đổi phương thức vận tải nhiều lần, nhưng với tốc độ hơn 300 km/giờ, chúng ta chỉ mất chưa đến 6 tiếng để vào TP.HCM, kể cả dừng đỗ ở ga, vì đường sắt từ Hà Nội vào TP.HCM là 1.540 km. Đấy là đường sắt tốc độ cao trong tương lai”, ông Vũ Anh Minh, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết trên VOV.
Phấn đấu hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao trong 10 năm, vào năm 2035
Trước đó, sáng 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49.
"Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035".
Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h.
Về công năng vận tải, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng-an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp (lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam); tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp…; từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn.
Thủ tướng cũng lưu ý cần phương án tổ chức quản lý theo hướng thông minh, hiện đại, số hóa (gồm quản lý kinh doanh vận tải và quản lý kết cấu hạ tầng); đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hình thành hệ sinh thái để phát triển ngành công nghiệp đường sắt theo yêu cầu tại Nghị quyết 49 với bước đi, lộ trình phù hợp.
Theo Thái Hà (Nguoiduatin.vn)
Đăng nhận xét