Đánh giá game Parkasaurus phiên bản Switch
Parkasaurus là game mô phỏng xây dựng và quản lý công viên khủng long vô cùng đáng yêu. Trò chơi nổi bật với phong cách đồ họa kiểu hoạt hình dễ thương, sử dụng tông màu bắt mắt và phù hợp với nhiều độ tuổi người chơi khác nhau. Thiết kế game đặc trưng mang đến bầu không khí rất ‘chill’ cho trải nghiệm. Đó là chưa kể vòng lặp gameplay rất có chiều sâu, cộng với khả năng tùy biến cao cùng nhiều ý tưởng vui vẻ mà không thử thách, góp phần không nhỏ mang đến trải nghiệm game có tính thư giãn rất cao.
Chuyện kể rằng loài khủng long lái phi thuyền con thoi đến trái đất du hí từ vũ trụ xa xôi, không ngờ bị tai nạn phải bỏ xác chôn vùi ở hành tinh xa lạ này. Hay không bằng hên, loài người đào bới và dùng công nghệ khoa học hiện đại để hồi sinh và biến chúng thành cơ hội kiếm tiền tỉ. Kỳ thực, đó chỉ là câu chuyện kể làm nền cho trải nghiệm game. Không những vậy, một trong hai chế độ chơi của Parkasaurus còn được thiết kế như phần tutorial mở rộng, cung cấp hành trang cho người chơi đến với trải nghiệm sandbox.
Dành cho bạn nào không biết, Parkasaurus lần đầu ra mắt trên nền tảng PC cách đây gần 2 năm tính đến thời điểm bài viết. Do trước đây tôi từng có bài khá chi tiết nên lần này người viết chủ yếu tập trung vào cảm giác trải nghiệm và khía cạnh kỹ thuật trên Nintendo Switch. Tuy vẫn mang đến trải nghiệm khá hào hứng, nhưng phiên bản này để lại cho tôi cảm giác khá trải chiều ở một số khía cạnh. Phần lớn đều là những vấn đề mà người viết từng đề cập khi trải nghiệm bản PC. Chẳng hạn như tên hai chế độ chơi World Map và Customize rất dễ gây nhầm lẫn.
Cụ thể, trải nghiệm World Map kỳ thực là phần hướng dẫn mở rộng, giúp người chơi làm quen với các cơ chế gameplay từ cơ bản đến nâng cao thông qua những yêu cầu nhiệm vụ. Ngược lại, Customize chỉ đơn giản là trải nghiệm sandbox, trao cho người chơi sự tự do sáng tạo công viên khủng long trong mơ, sử dụng những gì học được và rút tỉa kinh nghiệm từ trải nghiệm “hướng dẫn mở rộng” World Map. Điểm cộng nhỏ cho đứa con tinh thần của nhà phát triển Washbear Studio là không khóa chế độ chơi sandbox như Jurassic World Evolution 2.
Một vấn đề tuy cũ nhưng chưa được nhà phát triển giải quyết trong Parkasaurus phiên bản Switch là hệ thống thông báo và chỉ dẫn quá nhiều, thường xuyên xuất hiện chồng lấn nhau rất phiền nhiễu khi chơi chế độ World Map, nhất là trải nghiệm game ở chế độ handheld. Giao diện của trò chơi có vài điều chỉnh nhỏ nhưng chưa được tối ưu cho trải nghiệm trên màn hình nhỏ xíu hệ máy của Nintendo. Cỡ chữ khá nhỏ và tình trạng người viết phải căng mắt ra để đọc không phải hiếm, cộng với vấn đề hàng loạt thông báo xuất hiện càng thêm thảm họa.
Ngược lại, Parkasaurus phiên bản Switch xây dựng cơ chế điều khiển bằng tay cầm khá tốt, bất chấp trải nghiệm game ban đầu được thiết kế dành riêng cho chuột và bàn phím. Tôi chỉ hơi khó chịu nếu không nói là khá thất vọng khi nhà phát triển quyết định không tận dụng cơ chế điều khiển cảm ứng ở chế độ handheld. Mặc dù trò chơi không mấy thử thách nên nhịp độ chơi không quá quan trọng, nhưng không thể phủ nhận thao tác điều khiển bằng tay cầm khiến trải nghiệm game chậm hơn rất nhiều so với trên PC sử dụng chuột và bàn phím.
Mặt khác, việc sử dụng dãy nút bấm vai trên tay cầm Joy-Con có vẻ không trực quan ở góc độ người chơi. Tôi thường xuyên bấm nhầm các thao tác sử dụng giữa dàn nút L, R và ZL, ZR trong vài tiếng đầu trải nghiệm, mãi về sau mới bắt đầu quen dần nhưng cũng mất không ít thời gian để thay đổi thói quen điều khiển. Ngoài các vấn đề nói trên, trải nghiệm Parkasaurus phiên bản Switch không có thay đổi hay cập nhật nội dung mới so với bản PC mà tôi từng chơi trước đó. Trò chơi vẫn hướng đến trải nghiệm game vui vẻ, dễ chơi và không thử thách.
Về cơ bản, người chơi phải thiết kế chuồng trại cho mỗi loài khủng long khác nhau dựa trên đặc tính của chúng, bao gồm tùy chỉnh địa hình, độ cao, chủ đề, trang trí và hơn thế nữa. So với những game cùng thể loại mà tôi từng chơi, cơ chế gameplay trong trải nghiệm Parkasaurus có chiều sâu hơn dù tính thử thách không cao. Đơn cử mỗi loài khủng long cần được chuẩn bị loại thức ăn khác nhau. Trò chơi cung cấp rất chi tiết những thông tin này, đòi hỏi bạn phải đọc cẩn thận nếu không muốn nhận những thông tin cảnh báo làm phiền.
Không chỉ dừng ở đó, bạn thậm chí cón có thể chọn nguyên liệu làm bánh burger bán cho khách tham quan công viên, nhằm tối ưu hóa giữa lợi nhuận và thỏa mãn khẩu vị của khách hàng nữa kìa. Tuy nhiên, Parkasaurus sở hữu hệ thống quy đổi giữa ba loại chỉ số khác nhau có được từ trải nghiệm là tiền, khoa học và sự yêu thương, khiến việc tính toán chi ly như trường hợp nói trên trở nên không cần thiết. Cụ thể, tiền có được từ các hoạt động giao thương và quyên góp của khách tham quan, còn điểm khoa học thì có từ hoạt động nghiên cứu.
Riêng sự yêu thương được biểu thị bằng hình trái tim liên quan đến tinh thần của các bé khủng long. Đây là chỉ số đòi hỏi sự quan tâm của người chơi nhiều nhất. Bởi lẽ mỗi loài khủng long đều có những yêu cầu khác nhau về môi trường sống bên cạnh các nhu cầu cơ bản. Những yêu cầu này chủ yếu do đội ngũ nhân viên giải quyết, bạn chỉ cần tuyển đủ nhân công cho những công việc khác nhau là được. Mặt khác, ba chỉ số nói trên khá dễ kiếm điểm nhưng bạn cũng có thể thực hiện chuyển đổi từ ngân hàng tương ứng với nhu cầu khi cần.
Đây cũng là cơ chế gameplay giúp trải nghiệm Parkasaurus phù hợp với số đông, nhất là những người chơi casual. Định hướng thiết kế này còn thể hiện ở những khoảnh khắc đáng yêu trong trải nghiệm, chẳng hạn bạn có thể cho các bé khủng long đội những chiếc mũ khổng lồ siêu dễ thương. Yếu tố trang trí cũng rất được nhà phát triển Washbear Studio chú trọng, cộng thêm khả năng cho phép người chơi quan sát cận cảnh mọi khoảnh khắc diễn ra trong công viên. Đó kỳ thực là cảm giác trải nghiệm rất ‘chill’ trên nền đồ họa dễ thương.
Sau cuối, Parkasaurus phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm mô phỏng và quản lý công viên khủng long vừa hào hứng, đáng yêu lại vừa phù hợp với số đông người chơi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy vẫn còn vài khiếm khuyết nhất định khi chuyển đổi cơ chế điều khiển sang nền tảng mới, nhưng đây kỳ thực là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn, nhất là những ai yêu thích trải nghiệm casual cũng như thể loại dễ chơi dễ gây nghiện này.
Parkasaurus hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Parkasaurus ($ 24.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đăng nhận xét